Hậu Vệ là gì? Vai trò của Hậu Vệ trong bóng đá

Hậu vệ là một vị trí vô cùng quan trọng trong các đội bóng đá hiện đại. Các đội bóng hàng đầu trên thế giới thường xây dựng đội hình bắt đầu với hàng hậu vệ vững chắc. Như vậy, Hậu Vệ là gì? Hàng Hậu Vệ là gì? Có những kiểu Hậu Vệ nào? Vai trò của từng vị trí hậu vệ là như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết này nhé.

Định nghĩa Hậu vệ trong bóng đá

Hậu vệ trong bóng đá (tiếng Anh: Defender – viết tắt là DF) là những cầu thủ chơi ở khu vực phía sau hàng tiền vệ và phía trước thủ môn (1/3 diện tích sân bóng gần cầu môn). Nhiệm vụ của hàng hậu vệ là tập trung vào việc hỗ trợ phòng ngự và đồng thời tham gia tấn công trong những trường hợp nhất định.

hau ve la gi 2

Hàng hậu vệ gồm những vị trí nào?

Hàng hậu vệ bao gồm 2 vị trí chính là trung vệ và hậu vệ cánh. Tuy nhiên, do sự đa dạng và linh hoạt của các đội hình chiến thuật bóng đá hiện đại, đã có nhiều biến thể vị trí hậu vệ mới được ra đời như hậu vệ quét và hậu vệ cánh tấn công.

Tùy theo từng đội hình chiến thuật, hàng hậu vệ trong đội bóng đá 11 người sẽ bao gồm các vị trí chi tiết như: Trung vệ (Center Back – CB), Hậu vệ quét (Sweeper – SW), Hậu vệ cánh trái (Left Back – LB), Hậu vệ cánh phải (Right Back – RB), Hậu vệ cánh trái tấn công (Left Wing Back – LWB), Hậu vệ cánh phải tấn công (Right Wing Back – RWB)…

1. Trung vệ (CB)

Trung vệ, hay còn được gọi là hậu vệ trung tâm (tiếng Anh: Center Back – viết tắt là CB), đó là vị trí hậu vệ chơi bóng ở vị trí trung tâm của hàng phòng ngự, ngay phía trước thủ môn. Trong một đội bóng chuyên nghiệp 11 người, thường sử dụng 2 vị trí trung vệ CB (gọi là cặp trung vệ).

Các trung vệ trong bóng đá hiện đại thường có thể hình cao to, khả năng bật nhảy và đánh đầu tốt để hỗ trợ chống bóng bổng. Ngoài ra, khả năng đọc trận đấu và chọn vị trí cũng giúp các trung vệ có nhiều lợi thế trong việc ngăn chặn những cầu thủ tấn công tốc độ của đối phương. Ngoài ra, cũng có những trung vệ có thể hình không cao lớn nhưng bù lại có khả năng bật nhảy tốt và thi đấu linh hoạt. Nhiều đội bóng lựa chọn cặp trung vệ gồm 1 trung vệ cao to và 1 trung vệ thấp bé hơn nhưng có lối chơi nhanh nhẹn, linh hoạt.

trung ve gioi 2022

Trung vệ CB có nhiệm vụ quan trọng nhất là hỗ trợ phòng ngự. Cặp trung vệ sẽ là chốt chặn cuối cùng để ngăn chặn các cầu thủ đối phương, đặc biệt là các tiền đạo, tiếp cận và tạo sức ép lên khung thành đội nhà. Các trung vệ sẽ cố gắng phá bóng ra xa vòng cấm địa để chấm dứt các pha tấn công của đối thủ. Mặc dù các trung vệ cũng được rèn luyện khả năng kiểm soát bóng, nhưng việc đảm bảo an toàn cho khung thành đội nhà luôn là ưu tiên hàng đầu của họ.

2. Hậu vệ quét

Hậu vệ quét, hay còn được gọi là hậu vệ lùi (tiếng Anh: Sweeper – viết tắt là SW), là vị trí hậu vệ chơi ở vị trí lùi sâu nhất trong hàng thủ (dưới vị trí của 2 trung vệ và trước thủ môn). Hậu vệ quét có nhiệm vụ chính là bọc lót và sửa sai cho các trung vệ chơi ở phía trên. Hậu vệ quét được xem là chốt chặn cuối cùng và là lớp phòng ngự thứ 2 của đội bóng. Các hậu vệ quét chơi thông minh và đọc tình huống tốt, giúp nâng cao khả năng phòng ngự của đội lên rất cao. Các đội bóng có lối chơi phòng ngự phản công với sơ đồ 5 hậu vệ (trong đó có 1 hậu vệ quét) thường gặp nhiều khó khăn cho đối thủ trong việc ghi bàn.

Đội tuyển Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo thường chơi bóng với sơ đồ 5 hậu vệ khi phải đối đầu với những đối thủ mạnh. Sơ đồ 5 hậu vệ với một hậu vệ quét giúp nâng cao khả năng phòng ngự lên tối đa. Đội hình 5 hậu vệ chơi theo chiến thuật phòng ngự phản công đã giúp đội tuyển Việt Nam đạt được nhiều thành công đáng kinh ngạc như chức Á quân U23 Châu Á 2018.

3. Hậu vệ cánh Trái/Phải (LB/RB)

Hậu vệ cánh Trái/Phải, hay còn được gọi là hậu vệ biên (tiếng Anh: Full Back/Right Back/Left Back – viết tắt là FB/RB/LB), đó là vị trí hậu vệ chơi ở hai bên hành lang trái phải của đội nhà. Tuy nhiên, khi các trung vệ dâng lên quá cao (đặc biệt là khi dâng lên để tham gia vào các pha phạt góc), các hậu vệ vẫn bám sát vào trung lộ để hỗ trợ đánh chặn những pha tấn công của đối thủ.

Các cầu thủ chơi vị trí hậu vệ cánh thường được chọn là những cầu thủ nhỏ nhắn nhưng có tốc độ cực kỳ tốt. Do lối chơi yêu cầu phải di chuyển lên xuống liên tục, hậu vệ cánh thường cần có sức bền tốt. Họ sẽ hỗ trợ phòng ngự với khả năng phá bóng ra biên, xoạc bóng và kèm chặt các cầu thủ tấn công ở hai bên cánh của đối thủ.

hau ve canh

Trong một thế trận tấn công, các hậu vệ cánh có thể dâng lên cao ở hai bên cánh và tìm cách tạt bóng vào vòng cấm địa. Chiến thuật tấn công biên với các pha tạt bóng bổng, tạt bóng sệt vào vòng cấm địa đã được áp dụng rộng rãi và đạt được hiệu quả rất cao.

4. Hậu vệ cánh Trái/Phải tấn công (LWB/RWB)

Hậu vệ cánh tấn công Trái/Phải, hay còn được gọi là hậu vệ biên tấn công (tiếng Anh: Left/Right Wing Back – viết tắt là LWB/RWB), là biến thể của vị trí hậu vệ cánh nhưng tập trung hơn vào khả năng tấn công và thường xuyên tham gia vào tấn công.

Vị trí hậu vệ cánh tấn công thường được sử dụng trong đội hình của những đội bóng có lối chơi tấn công tổng lực (đặt sự tấn công lên hàng đầu). Những đội bóng có hậu vệ cánh tấn công thường có khả năng tấn công rất mạnh, đa dạng và tạo áp lực cao cho đối phương. Cầu thủ chơi ở vị trí hậu vệ cánh tấn công đòi hỏi tốc độ kỹ thuật, khả năng phối hợp và dứt điểm tốt. Tuy nhiên, khả năng phòng ngự của họ sẽ bị giảm do khoảng trống mà các hậu vệ cánh để lại khi tham gia vào tấn công.

hau ve canh

Mặc dù ưu tiên khả năng tấn công, những hậu vệ cánh tấn công vẫn có tốc độ tốt và có thể lùi về để hỗ trợ phòng ngự. Những hậu vệ biên tấn công tốt được coi là đa năng với khả năng công thủ toàn diện.

Tóm lại, trên đây là các vị trí của hậu vệ trong bóng đá chuyên nghiệp. Bài viết cũng đã giới thiệu nhiệm vụ và vai trò của từng vị trí hậu vệ. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào khác về các vị trí trong bóng đá, hãy để lại bình luận dưới đây, chúng tôi sẽ giải đáp cho bạn.

Tổng hợp bởi: Giaydabongtot.com

Related Posts